Một số vụ án tham nhũng thời gian qua đều có liên quan tới các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành. Những thất bại với các con số thất thoát khổng lồ của các tập đoàn này đã khiến cho các nhà quản lý cũng như chuyên gia kinh tế xem xét lại hiệu quả của mô hình kinh doanh đa ngành. Báo chí từng phản ánh thực tế về sự tan chảy của những “quả đấm thép”.
Vấn đề đặt ra là mô hình tập đoàn kinh doanh đa ngành ở Việt Nam có hiệu quả không?
Câu trả lời không phải là lý thuyết của các giáo sư kinh tế, mà chính từ hơi thở của cuộc sống. Tại Việt Nam đã có những tập đoàn kinh doanh đa ngành và đã thành công. Bốn tỷ phú vừa được Forbes công bố đều là những ông bà chủ kinh doanh đa ngành, họ đã thắng lợi rực rỡ. Ông Phạm Nhật Vượng bước từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, ngoài các chuỗi đô thị, khách sạn, bất động sản, bệnh viện, trường học, nông nghiệp, Vingroup còn “lấn” sang ô tô, mở trường đại học. CEO Vietjet nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch của Sovico Holdings, còn kinh doanh bất động sản, ngân hàng, không có lĩnh vực nào không thành công. Ông Trần Bá Dương đâu chỉ ô tô, mà xây dựng khu đô thị, hạ tầng giao thông, sản xuất máy nông nghiệp và chưa biết sẽ còn ngành nghề gì.
Ngoài các tỉ phú có tên trong danh sách của Forbes, còn nhiều doanh nhân khác cũng kinh doanh đa ngành thành công. Đơn cử như FLC, sau loạt dự án du lịch, bất động sản, nay chuyển sang lĩnh vực hàng không, và đặc biệt là nhảy vào nông nghiệp sạch. Còn Tân Tạo, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, các ông bà chủ này đều dám mạo hiểm, dám nghĩ dám làm, dù có nhiều khó khăn, nhưng không ai trong họ thất bại.
Vậy thì thành công hay thất bại không phải do mô hình kinh doanh đa ngành hay đơn ngành, mà do doanh nghiệp cụ thể, con người cụ thể. Không có mô hình nào tuyệt đối an toàn, chỉ có con người dám bước ra khỏi vùng an toàn để trở thành tỉ phú. Kinh doanh đơn ngành hay đa ngành đều có thể trở thành tỉ phú, vấn đề là ai mà thôi.
Từ thực tế Việt Nam, sẽ thấy các doanh nghiệp nhà nước thì không thành công mặc dù có rất nhiều ưu đãi, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân thì thành công. Tui không đi sâu phân tích nguyên nhân, vì báo chí đã nói nhiều, chỉ gạch đầu dòng vài ý để chúng ta cùng suy nghĩ. Doanh nhân bỏ đồng tiền xương máu và trưởng thành cũng chính từ xương máu, khác với một tấm giấy A4 là trở thành tổng giám đốc hay chủ tịch.
Cho nên, nhà nước thay vì đầu tư cho các doanh nghiệp con cưng, thì hãy đầu tư thiết kế chính sách để cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Một doanh nghiệp tư nhân thành công như Thaco hay Vietjet, Vingroup thì nhà nước chỉ ngồi thu thuế, còn nuôi con cưng như Vinashin, Vinalines thì chỉ có phá tiền.
Cơ hội mới là Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm mọi cách để phát triển, sản xuất và xuất khẩu. Tui tin chắc rằng, nếu nhà nước có những chính sách nhanh chóng và phù hợp, danh sách tỉ phú của Forbes sẽ có thêm nhiều ông bà quốc tịch Việt Nam. Trong đó có những ông chủ tập đoàn đơn ngành và cả đa ngành.
Nguồn: https://tranquithanh.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét