PGS Văn Như Cương, sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới. PGS Văn Như Cương là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông được Chính phủ công nhận chức danh Phó giáo sư và có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
PGS Văn Như Cương còn chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
Thầy Văn Như Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thời gian gần đây thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Thầy nổi tiếng thẳng tính, từng nhiều lần lên tiếng chỉ rõ những hạn chế của nền giáo dục.
Giai thoại "Tiến sĩ lợn"
Năm 1971 sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga thầy giáo Văn Như Cương trở về dạy học ở Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, ngày đó khi cuộc sống cón khó khăn, tiền lương dạy học của ông không đủ trang trải cuộc sống, ông đã phải nuôi lợn để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ ngày đó. Nên thầy Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có 2 tiến sĩ, một là tôi và một là lợn.
Thế rồi, sau những lần bị lập biên bản về chuyện làm "ảnh hưởng môi trường tập thể", thầy Cương phải từ bỏ công việc cải thiện thu nhập của mình. Khi bạn bè đến chơi, đùa hỏi: "Tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?". Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: "Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho "Tiến sĩ lợn" bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh. Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: "Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký".
Người Thầy đáng kính
Từ trước tới nay, thầy Văn Như Cương luôn được nhắc tới là một tấm gương mẫu mực trong nghề giáo. Hình ảnh thầy giáo già nở nụ cười viên mãn bên học trò, bừng lên trong nắng sớm chứng minh cho tinh thần lạc quan của thầy.
Tại trường Lương Thế Vinh, thầy Cương là người thầy lúc nào cũng nhận được rất nhiều sự mến yêu và kính trọng.
Thầy Văn Như Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thời gian gần đây thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường.
Những đóng góp vô cùng to lớn của thầy Cương dành cho nền giáo dục nước nhà mãi mãi khiến bao thế hệ học sinh cũng như giáo viên đều ghi nhớ. Đặc biệt, những ý kiến thẳng thắn, trực diện của ông về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhân có sức ảnh hưởng lớn.
Là người sáng lập ra trường Lương Thế Vinh nhưng thầy Cương luôn cho rằng, để giữ gìn thương hiệu trường cần phải phụ thuộc rất nhiều vào toàn thể học sinh và giáo viên toàn trường.
Thầy Cương đã nói rằng, học trò xem mình là ông là bố, điều này là một điều đáng sống nhất.
Khi biết tin người thầy giáo đáng kính nhập viện, toàn thể học sinh trường Lương Thế Vinh đã gửi lời bài hát truyền thống của trường cùng với hàng nghìn con hạc giấy để chúc thầy luôn luôn khỏe mạnh.
Sự ra đi của thầy giáo, PGS Văn Như Cương là một trong những mất mát lớn cho thầy cô, tập thể cán bộ cũng như học sinh trường Lương Thế Vinh nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung. Hình ảnh "tượng đài bất khuất" của thầy Cương sẽ mãi mãi lưu truyền đến sau này. Đó cũng chính là ý chí, nghị lực cũng như động lực thúc đẩy sự nghiệp "mài sắt" của nền giáo dục nước nhà.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét