Cập nhật giá lợn hơi mới nhất tại Đồng Nai, Thái Bình, các tỉnh miền Bắc và Đông Nam Bộ.
Sau đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, tình hình chăn nuôi của bà con đang dần ổn định, giá heo hơi cập nhật ngày hôm nay tại miền Bắc và miền Trung có dấu hiệu tăng trở lại.
Tại miền Bắc, nhiều tỉnh thành sau khi khắc phục hậu quả thiệt hại do đợt không khí lạnh vừa qua, nhiều chủ hộ, trại đang củng cố lại chuồng trại để tiếp tục chăn nuôi, giá heo hơi tại nhiều tỉnh thành có dấu hiệu tăng giá. Tỉnh Hải Dương,giá heo hôm nay tăng 2.000đ/kg, từ 26.000đ/kg lên 28.000đ/kg; các tỉnh Bắc Giang,Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình tăng từ 500 – 1.000đ/kg; hai tỉnh thành Phú Thọ và Hà Nội, giảm nhẹ 500đ/kg; các địa phương khác giá giữ ổn định, dao động từ 26.000 – 29.500đ/kg.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có giá heo hơi bình quân vùng miền tăng 500đ/kg. Trong đó, giá của tỉnh Quảng Bình và Bình Thuận tăng 1.000đ/kg; các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Nam giảm 500đ/kg, Thừa Thiên Huế giảm 1.500đ/kg. Giá heo hơi tại khu vực đang ở mức từ 27.500 – 30.000đ/kg.
Giá heo hơi tại khu vực phía Nam hôm nay cũng giữ tương đối ổn định, hầu hết các địa phương có giá bằng hôm qua. Một số tỉnh thành có giá heo hơi biến động ngày hôm nay như: Tiền Giang giá tăng 1.000đ/kg, Bạc Liêu tăng 500đ/kg; hai tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre giảm 1.000 – 1.500đ/kg. Giá heo miền Nam đang dao động từ 25.500 – 30.000đ/kg.
Theo các hộ chăn nuôi, trung bình một con lợn khi bán ra đang phải chịu lỗ từ 500.000 -1.000.000 đồng/con. Người nuôi lợn dù ít hay nhiều đều phải thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm dịch, từ khi nuôi đến khi xuất chuồng và bán ra thị trường. Vì vậy, chủ trương đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn khi xuất chuồng được nông dân hoàn toàn ủng hộ nhưng còn nhiều vướng mắc.
Ông Trần Minh Quang, chủ một trang trại nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết: "Một con lợn trước khi xuất chuồng gánh rất nhiều loại giấy tờ như: mã số trang trại, giấy kiểm dịch của thú ý, giấy phép chích vắcxin, giấy chuyển vùng lợn có niêm phong trước khi chuyển về TP Hồ Chí Minh. Tất cả những loại giấy tờ này đều có thể truy xuất nguồn gốc, vì sao bây giờ lại phải đeo thêm 2 cái vòng trên mỗi một con lợn, chỉ làm tăng chi phí cho người nuôi".
Trung bình mỗi ngày, Đồng Nai cung cấp khoảng 5.000 con lợn cho TP Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã có khoảng 50/320 trang trại tham gia đề án truy xuất nguồn gốc của TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi lợn của Đồng Nai, chi phí để đeo được vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn khoảng 16.000 đồng/con sẽ rất khó khăn cho các hộ nông dân trong khi giá lợn hơi đang xuống thấp. Vì vậy, các hộ chăn nuôi Đồng Nai mong muốn có sự phối hợp từ TP Hồ Chí Minh, nếu được sự đồng thuận chia sẻ khó khăn thì hiệu quả của việc thực hiện truy xuất mới đạt hiệu quả cao.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét